Năm 1840 miếu được nhân dân đóng góp công sức tiền của cùng ông xây dựng lại Miếu lớn hơn để thờ Bà và đặt tên Miếu Hòa Xuân theo tên địa phương trước kia. Năm Bính Thìn (1976), Miếu được trùng tu xây dựng khang trang đến ngày hôm nay. Miếu Hòa Xuân được xây dựng trên gò đất màu mỡ nằm về phía Tây của làng có diện tích rộng. Tuy không có án phong, nhà tiền hiền, trụ thờ, nhà Đông và nhà Tây như các ngôi Miếu khác nhưng Miếu Hòa Xuân có kiến trúc xây dựng và điêu luyện chạm khắc khá đặc sắc. Miếu được xây dựng theo kiểu nhà tứ trụ bao gồm 02 bộ vì kèo, bốn cột cái, hai cây trính…Bên trong Miếu có nhiều mảng chạm, cẩn, lọng trên gõ với nhiều đề tài khác nhau, chủ yếu là đề tài “Tứ linh” ẩn vân cùng với dải hoa, dây lá ở các hương án, khám thờ, câu đối trên các cột... thể hiện sự khéo léo của các nghệ nhân xưa.
Miếu Hòa Xuân có giá trị kiến trúc nghệ thuật, là nơi thờ bà Ana tước phong “Hỏa tinh thần nữ” vừa phục vụ tâm linh tín ngưỡng của cư dân địa phương vừa là nơi tổ chức lễ hội diễn ra hàng năm. Đối với người dân Đạo Long, Miếu Hòa Xuân thờ bà Ana là nơi mà mọi người tin tưởng bà sẽ bảo trợ cho dân làng có cuộc sống an lành và hạnh phúc.
Miếu Hòa Xuân được các Triều Nguyễn phong sắc để phụng thờ: vua Duy Tân phong vào năm 1912; vua Khải Định năm thứ 9 (năm 1925).
Miếu Hòa Xuân được UBND tỉnh Ninh Thuận công nhận di tích nghệ thuật cấp tỉnh theo quyết định số 2265/QĐ-UBND ngày 16 tháng 9 năm 2016.