Các thành viên của dự án Ethnicity
trong một chuyến thực tế tại tỉnh Lâm Đồng
18 năm sinh sống tại
vùng đất Bảo Lộc, Lâm Đồng - nơi mà xung quanh là các bản làng của người dân tộc
thiểu số Mạ, K’Ho…, Phan Văn Quyền, chứng kiến rõ sự mai một từng ngày của hoa
văn thổ cẩm bởi những thách thức của quá trình toàn cầu hóa. Bên cạnh đó, những
tấm vải hoa văn thổ cẩm đang dần biến mất trước xu thế cách tân quá
đà của công nghiệp may mặc hiện đại. Điều này đã tạo ra khoảng cách xa xôi giữa
một di sản văn hóa lâu đời với giới trẻ.
Năm 2018, dự án
Ethnicity mang ý nghĩa truyền thống gắn liền với hơi thở thành thị đã ra
đời. Đồng hành với Quyền trên chặng đường gian nan này là những bạn trẻ cùng
chí hướng. Dù họ đều ở độ tuổi rất trẻ, có bạn là sinh viên, bạn đã tốt nghiệp
đại học, bạn thì còn học sinh nhưng đều có chung mong muốn bảo tồn và phát
triển hoa văn thổ cẩm.

Người dân hỗ trợ các bạn trẻ thực
hiện dự án Ethnicity
Để thực hiện dự án, các
thành viên phải khảo sát, nghiên cứu những hoa văn trên thổ cẩm của người
dân tộc thiểu số, vẽ lại bằng phần mềm đồ hoạ và phát triển thành một thư viện
số - nơi mọi cộng đồng có thể sử dụng chúng và quảng bá về vẻ đẹp của di sản
văn hoá phi vật thể này. Đây cũng là thư viện số đầu tiên tại Việt Nam có chức
năng bảo tồn, quáng bá, phát triển các họa tiết hoa văn thổ cẩm.
“Trong quá trình đồ họa,
Ethnicity chú trọng giữ lại nguyên vẹn kiểu dáng, nét dệt và màu sắc của
các hoa văn thổ cẩm truyền thống. Dựa vào đây, những hình dáng đó được phát
triển theo nhiều phong cách, kết hợp với nhiều gam màu sắc bắt kịp xu hướng
thời đại để thúc đẩy việc sử dụng cũng như quảng bá đến cộng đồng”, Quyền
chia sẻ.
Nhớ lại những ngày đầu,
các thành viên gặp vô vàn khó khăn khi thực hiện dự án, có những lúc tưởng
chừng phải bỏ cuộc do thiếu thông tin trong việc tiếp cận, nghiên cứu, tìm
nguồn tài liệu tin cậy về ý nghĩa hoa văn thổ cẩm, lịch sử văn hoá những dân
tộc thiểu số...
“Khác với việc nghiên
cứu các vấn đề về tự nhiên, thường có quy luật và nguồn tài liệu dồi dào làm cơ
sở, việc nghiên cứu lĩnh vực này vốn không có nhiều nguồn đề cập.
Nhóm phải thực nghiệm, khảo sát từ điều ít ỏi mình biết. Thêm nữa, khoảng
cách ngôn ngữ hiểu về hoa văn bị hạn chế cũng là những khó khăn không
nhỏ”, một thành viên của nhóm nhớ lại.

Thổ cẩm được ứng dụng trong đời sống
như: móc khóa, quần áo, bao bì
Vượt qua những khó khăn
ban đầu, các thành viên đã hoàn thành xong thư viện hoa văn thổ cẩm của người
Mạ và K’ho. Sau đó, nhóm bắt đầu kết nối với các chủ sở hữu doanh nghiệp
in ấn, các nhà hàng, các quán cafe, các nhà thiết kế nội thất… để truyền tải xu
hướng thiết kế mới dựa trên những giá trị di sản văn hóa của thổ cẩm. Điển hình
như việc in hoa văn lên bookmark mà nhóm đang sở hữu để làm phần quà cho các
mini game trực tuyến của dự án, hay vòng tay thổ cẩm do chính người dân tộc
thiểu số tại Làng dệt thổ cẩm K’Long (Đức Trọng, Lâm Đồng) sản xuất để làm quà
lưu niệm trong các chuyến đi trao đổi văn hóa.
Kết quả khả quan của dự
án là các thành viên đã cho hoạt động trên ba nền tảng xã
hội: Website, Facebook, Instagram và ra mắt được 4 thư viện
số. Thời
gian sắp tới, nhóm dự án sẽ hoàn thiện trọn bộ thư viện số với 200 hoa văn thổ
cẩm gốc được mĩ thuật hóa với hai phiên bản dệt và pixel, 70 hoa văn phát triển
với hai phiên bản vuông và đặc biệt, 30 bộ hoa văn ứng dụng và 50 bộ hình minh
hoa đời sống của dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, các thành viên còn thu thập và
nghiên cứu thêm các ý nghĩa của hoa văn thổ cẩm nhằm quảng bá vẻ đẹp tinh thần
của di sản văn hóa này.
"Hoa văn thổ cẩm được tạo nên bởi các hình dáng khác
nhau: hình tam giác, chữ nhật, vuông, tròn, đường thẳng, gấp khúc… mỗi hình
dáng như vậy mang một ý nghĩa, một câu chuyện của người dệt. Dựa vào đây,
Ethnicity sẽ phát triển những hình dáng đó theo nhiều phong cách, kết hợp với
nhiều gam màu sắc bắt kịp xu hướng thời đại để thúc đẩy việc sử dụng cũng như
quảng bá đến cộng đồng, tạo nên làn sóng ứng dụng hoa văn thổ cẩm vào các thiết
kế hằng ngày của người Việt như: đồ dùng sinh hoạt, thời trang, nghệ thuật, quà
lưu niệm...”, Quyền phân tích
Cuối năm 2018, Ethnicity vinh dự được chọn là 1
trong 10 dự án trong khối ASEAN được trình bày với cựu Tổng Thống Mỹ
Barack Obama. Tiếp đến vào tháng 4/2019, Ethnicity được quỹ ASEAN đề cử trở
thành thành viên của Social Innovation Warehouse. Tháng 6/2019, Quyền đại diện
nhóm đã ôm trọn tinh hoa văn hoá dân tộc thiểu số Việt Nam trong dự án đến với
thế giới qua Diễn đàn thanh niên quốc tế UNESCO tại Trung Quốc.
Ngay sau đó, dự án cũng xuất hiện tại Phiên họp của Ủy
ban Di sản Thế Giới lần thứ 43 tại Baku, Azerbaijan. Tháng 8/2019, sau quá
trình đào tạo, dự án Ethnicity chính thức có mặt trên trang website của Social Innovation Warehouse - một
kho lưu trữ và quảng bá trực tuyến các dự án xã hội tiềm năng của các nhà lãnh
đạo trẻ được liên kết với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
Phan Văn Quyền trong Diễn đàn thanh
niên quốc tế UNESCO tại Trung Quốc
Tháng 11/2019, Ethnicity giới thiệu tại Hàn Quốc trong
cuộc thi Ý tưởng Sáng tạo đổi mới Better Together Challenge 2019. Ở mỗi chương
trình tham gia, thành viên Ethnicity đều mang dự án đi để thuyết trình và mang
các sản phẩm của dự án làm quà tặng và quảng bá nét đẹp văn hoá thổ
cẩm này. Dự án cũng tận dụng bạn bè quốc tế để tham khảo ý kiến, chia sẻ câu
chuyện và lắng nghe nhận xét của các bạn về tính khả thi của dự án khi sử dụng
phương pháp bảo tồn số hoá khác hẳn so với các cách truyền thống khác. Qua đó,
nhóm nhận được nhiều gợi ý xây dựng, phát triển và định hình được vị trí của
mình không chỉ trong nước mà còn mở rộng ra quốc tế.
“Nhóm mong muốn kết nối với một số trường đại học,
cao đẳng trong địa bàn TP.HCM để giới thiệu về thư viện số Ethnicity, góp phần
nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ đối với những di sản văn hóa nước nhà. Bên cạnh
đó nhóm cũng tiếp tục công cuộc thu thập, nghiên cứu và mĩ thuật hóa các hoa
văn thổ cẩm của những dân tộc thiểu số của Việt Nam tiếp theo” - Quyền cho biết.